(TBKTSG) – Những ngày gần đây, câu chuyện về uy tín của một thương hiệu lớn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những mâu thuẫn cá nhân giữa hai vợ chồng cùng điều hành trong công ty gia đình đã trở thành đề tài nóng trong cộng đồng doanh nhân dù đây không phải là câu chuyện mới ở xứ ta cũng như xứ người. Đứng ở góc độ là một người đang khởi nghiệp cùng vợ, xin chia sẻ một vài suy nghĩ cá nhân và kinh nghiệm bản thân cùng bạn đọc.
Khó khăn và thuận lợi
Ông bà ta đã nói rằng vợ chồng khó nhất là giữ cho được bốn cái cùng. Đó là cùng ăn (ngủ, ở), cùng chơi, cùng học và cùng làm. Vợ chồng ăn ở cùng nhau là chuyện hiển nhiên, sau đó mới tìm cái để chơi chung. Khi chơi chung được rồi thì cùng học với nhau. Học ở đây là học về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, lối sống, trường đời… để có góc nhìn và năng lực ngang nhau. Sau khi vượt qua ba cái cùng vừa kể thì cùng làm là cái khó cuối cùng.
Khi cùng làm, cả hai vừa là đồng nghiệp vừa là vợ chồng. “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, đó là điều không thể phủ nhận khi hai vợ chồng cùng làm chung. Đã là vợ chồng thì rất hiểu nhau, đây là điểm thuận lợi nhất cho những người đồng sáng lập và trong giai đoạn khởi nghiệp. Cả hai có thời gian ở bên nhau nhiều hơn tám giờ so với những đồng nghiệp thông thường, có thể hỗ trợ nhau trong công việc và do cùng đồng hành và phát triển nên có thể đồng cảm với nhau trong lúc khó khăn.
Nhưng làm sao để tách bạch được mối quan hệ này ở công ty là điều rất khó. Muốn vậy doanh nghiệp phải có những nội quy, quy chế, quy định vận hành riêng mà ai cũng phải tuân thủ và chấp hành để doanh nghiệp có thể hoạt động tốt và nâng công ty lên tầm chuyên nghiệp. Trong môi trường đó sẽ không có “ngoại lệ” cho cả hai vợ chồng. Tuy nhiên nếu năng lực của một trong hai người không phù hợp, hay chẳng may kết quả không đạt như kỳ vọng thì việc “chia tay” nhau sẽ không thể diễn ra một cách dễ dàng và đơn giản. Là vợ chồng khi thuận hòa thì cái gì cũng là của chung và nhiều lúc không cần phải nói hay viết ra. Thế nhưng đến lúc gặp xung đột hay khó khăn, cả hai lại không có cơ sở để giải quyết cái chung đó. Đành rằng chúng ta luôn tin tưởng và hy vọng vào những điều tốt đẹp, nhưng chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất có lẽ cũng không thừa, có như vậy mọi thứ mới rõ ràng và dễ dàng giải quyết khi gặp mâu thuẫn.
Ngay chính cá nhân người viết cũng đã khởi nghiệp cùng vợ. Thời gian đầu, do chưa cùng quan điểm về khởi nghiệp và xây dựng công ty nên cả hai thường mâu thuẫn và xung đột. Sau một thời gian chúng tôi nhận ra nhiều điều, rồi ngồi lại bàn bạc cùng nhau, phân định rõ vai trò trách nhiệm của mỗi người để cùng nhau xây dựng cơ đồ.
9 quy tắc vàng
Để phát huy thế mạnh của cả hai vợ chồng khi khởi nghiệp và bảo vệ thương hiệu của công ty, chúng tôi đã thống nhất đưa ra 9 quy tắc và quyết tâm thực hiện cùng nhau.
Tôn trọng lẫn nhau. Khi cả hai vợ chồng quyết định làm chung có nghĩa là cùng tin tưởng vào năng lực, kỹ năng, thái độ của nhau, tin rằng cả hai có thể góp phần vào sự thành công chung. Chính vì vậy cả hai phải luôn đối với xử nhau một cách chuyên nghiệp và tôn trọng trong mọi vấn đề.
Làm rõ vai trò và trách nhiệm của mỗi người. Phải đảm bảo hai vợ chồng cùng đồng thuận và thống nhất về ý tưởng, chiến lược và kế hoạch phát triển doanh nghiệp. Cả hai phải làm rõ ai chịu trách nhiệm về phần nào và mỗi người phải được dành một khoảng không sáng tạo để mang lại những kết quả tốt nhất. Nên tránh sự theo sát đến từng chi tiết của vợ hoặc chồng dành cho người còn lại.
Xây dựng hệ thống và quy trình. Việc xây dựng hệ thống và quy trình là tối cần thiết cho doanh nghiệp, bất kể quy mô nào. Phải tối ưu số lượng quy trình trong doanh nghiệp để đảm bảo sự sáng tạo và đổi mới trong doanh nghiệp có cơ hội phát triển. Ngay cả hai vợ chồng cũng phải có những quy trình làm việc và tương tác với nhau, và phải làm ngay lúc bắt đầu khởi nghiệp để đảm bảo công ty có thể phát triển, mở rộng và tăng trưởng về sau. Việc này sẽ ngăn ngừa được sự xung đột và bối rối của những người chủ và nhân viên khi công ty bước vào giai đoạn phát triển nhanh.
Ai là người ra quyết định cuối cùng. Rất nhiều cặp vợ chồng phân quyền ngang nhau, dẫn đến tình trạng không có người quyết định cuối cùng khi có ý kiến trái chiều. Cả hai cần phân định rõ việc này cho từng vấn đề cụ thể, không nên tập trung quyền lực vào chỉ duy nhất một người. Vì vợ hoặc chồng đều có kỹ năng, kinh nghiệm và năng lực nhất định, do đó cần phải phát huy và tối ưu nguồn nội lực của cả hai. Trong doanh nghiệp của hai vợ chồng tôi hiện nay, tôi chịu trách nhiệm về tầm nhìn, chiến lược, bán hàng và tiếp thị, còn vợ thì quản lý chung, vận hành và thực thi kế hoạch. Trước đây, khi chúng tôi chưa có sự phân công rõ ràng như vậy, một số công việc và chiến lược trong công ty đã không được thực thi thành công.
Thiết lập các giới hạn và ranh giới rõ ràng khi nào cả hai vợ chồng cần kết thúc công việc và bắt đầu các mối quan hệ cá nhân. Hai vợ chồng làm việc với nhau theo lịch trình 24/7 là một ý tưởng tồi. Chúng ta cần làm rõ những “luật lệ và quy định” giữa hai vợ chồng là khi nào công việc kết thúc và không cho phép bất cứ điều gì phá vỡ điều này. Ngược lại, khi hai vợ chồng dành thời gian cá nhân bên nhau thì đừng bao giờ nói về công việc hay công ty. Và lưu ý không mang những cuộc thảo luận lên…giường ngủ.
Đảm bảo mỗi người có thể thực hiện tốt công việc của mình và không phụ thuộc vào người còn lại. Đây là cách tốt nhất vì nó cho phép mỗi người thực thi công việc chuyên nghiệp và hiệu quả.
Làm việc chung với nhau trên “tư duy chiến lược”. Hai vợ chồng nên cố gắng tránh xung đột với nhau nhiều nhất có thể, vì cả hai cùng hướng tới một mục tiêu. Đừng nên xung đột và mâu thuẫn về việc ai dành nhiều thời gian cho công ty hơn, ai kiếm tiền nhiều hơn, ai mang lại nhiều khách hàng nhiều hơn… mà hãy cùng chia sẻ những rủi ro, nỗ lực và thành công.
Dành thời gian cho chính bản thân của từng người. Hai vợ chồng rất dễ bị cuốn vào những vấn đề của công ty, các mối quan hệ công việc và gia đình, con cái, công việc nhà… Cả hai vợ chồng đều cần phải có sức khỏe tốt bởi khởi nghiệp và lãnh đạo công ty sẽ tiêu tốn của bạn rất nhiều sức lực. Hãy ngủ đủ, ăn đủ chất và đủ bữa, tập thể dục, du lịch, tham gia các hoạt động để làm mới và làm phong phú thêm cuộc sống của bạn. Hãy cân bằng giữa cuộc sống và công việc, đặc biệt là với hai vợ chồng bạn.
Xây dựng đội ngũ kế thừa cho doanh nghiệp càng sớm càng tốt. Hai vợ chồng đã phải làm việc rất vất vả cùng nhau để giúp doanh nghiệp thành công, ta không nên chờ đến lúc doanh nghiệp thành công, hoặc khi hai vợ chồng nghỉ hưu thì mới nghĩ đến việc này. Nếu bạn có con cái, hãy cân nhắc việc các con có là thế hệ lãnh đạo kế tiếp được hay không? Hãy nghĩ các nhân viên của bạn họ có thể vận hành và dẫn dắt công ty tiếp tục thành công khi hai vợ chồng bạn rời khỏi công ty hay không? Và hãy tính toán khi nào sẽ nghỉ hưu và hai vợ chồng bạn cần bao nhiêu tiền để sống? Hãy nghĩ càng sớm càng tốt và dành thời gian suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này.
Thương hiệu là sở hữu của cả doanh nghiệp chứ không phải của cá nhân vợ hay chồng, đó là công sức đóng góp của một tập thể và được vun đắp trong một khoảng thời gian dài với rất nhiều nỗ lực. Do đó việc duy trì, bảo vệ thương hiệu là việc của tất cả mọi người trong doanh nghiệp, đặc biệt là những người chủ chốt. Đừng để một phút bất hòa giữa hai vợ chồng mà xóa bỏ đi một thương hiệu đã dày công xây dựng trong suốt một thời gian dài, đặc biệt là giai đoạn “đồng cam chịu khổ” trong thời gian đầu vận hành và xây dựng doanh nghiệp.
(*) Chủ tịch Công ty John&Partners